"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" hay "Em là bà nội của anh" là hai trong số 10 bộ phim ghi dấu ấn đột phá về chất lượng, doanh thu trong năm qua.
Chàng trai năm ấy
Lấy cảm hứng từ số phận của ca sĩ quá cố - Wanbi Tuấn Anh, phim dõi theo những ngày cuối đời của một ngôi sao trẻ mắc bệnh ung thư. Sơn Tùng M-TP đóng vai nam chính. Sau khi ra mắt, khán giả tranh cãi rằng cốt truyện trong phim không giống với nguyên mẫu. Đạo diễn Nguyễn Quang Huy khẳng định anh chỉ dựa trên cảm hứng câu chuyện của Wanbi Tuấn Anh để tạo ra bộ phim của riêng mình.
Bộ phim đi vào lòng khán giả mặc dù không có điểm mới về câu chuyện hay phong cách điện ảnh. Ngoài câu chuyện gây xúc động về cái chết trẻ thương tâm của một tài năng, phim vẽ ra thế giới của những người làm hậu trường ngành showbiz. Tác phẩm thu về 70 tỷ đồng khi ra rạp hồi tháng 1. Diễn xuất tự nhiên của Sơn Tùng M-TP giúp ca sĩ đoạt giải "Diễn viên triển vọng" ở Cánh Diều 2015. Chàng trai năm ấy sau đó được mời tham dự một số liên hoan phim ở khu vực Đông Nam Á.
Đập cánh giữa không trung
Sau khi giành giải “Phim hay nhất” của Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA) tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice tháng 9/2014, Đập cánh giữa không trung về Việt Nam để ra mắt khán giả chuộng dòng phim độc lập. Ra rạp Việt cuối tháng 1, phim của nữ đạo diễn kiêm nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp được người hâm mộ đón nhận rộng rãi.
Phim khai thác chủ đề tình yêu, tình dục và nỗi cô đơn tuổi vị thành niên qua câu chuyện của một cô gái trẻ mang bầu. Nam diễn viên Hà Hoàng hóa thân tự nhiên thành chàng trai quậy phá. Trong khi đó, ca sĩ Thanh Duy Idol gây ấn tượng khi đóng người chuyển giới có đời sống bất trắc. Những góc quay trần trụi và gai góc vẽ ra không gian Hà Nội ồn ào và u tối ở những khu trọ ổ chuột. Một số khung hình mơ mộng mang hơi hướng ấn tượng tạo điểm nhấn cho phim.
Ngoài việc được khen ngợi về chuyên môn, phim là trường hợp thành công điển hình cho dòng phim độc lập ngân sách thấp ở Việt Nam. Khi làm dự án này, nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và êkíp tự lực xin tài chính chủ yếu từ các liên hoan phim cũng như các quỹ hỗ trợ nghệ thuật trong và ngoài nước. Phim gần như không có ngân sách cho quảng bá.
Trúng số
Dựa trên câu chuyện có thật năm 2011, Trúng số xoay quanh cuộc sống thường ngày của một nhóm người lao động lam lũ ở miền Nam Việt Nam. Mọi việc trở nên đảo lộn khi một người đàn ông vừa mãn hạn tù trúng vé số độc đắc. Biên kịch của phim là nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn.
Tác phẩm ban đầu bị coi là một phim hài nhảm trong quá trình quảng bá. Tuy nhiên khi ra rạp, giới chuyên môn và khán giả đón nhận nồng nhiệt tác phẩm tâm lý pha hài hước này. Trúng số được đánh giá là câu chuyệncổ tích thời hiện đại, một ngụ ngôn cuộc sống, không giáo điều, giả tạo. Ngoài kịch bản chặt chẽ và cảm động, phim cũng có dàn diễn viên đồng đều gồm Dustin Nguyễn, Ninh Dương Lan Ngọc, Chí Tài và Thu Trang.
Tạo được cơn sốt nhỏ với công chúng, phim có ngân sách 7 tỷ thu về 27 tỷ đồng. Hồi tháng 10, phim cũng được lựa chọn là đại diện Việt Nam tham dự vòng Sơ tuyển Oscar "Phim nói tiếng nước ngoài" nhưng không vào danh sách rút gọn.
Dịu dàng
Dịu dàng là tác phẩm nghệ thuật hiếm có của điện ảnh Việt ra mắt cuối tháng 3. Chuyển thể từ truyện dài kinh điển ra mắt từ cuối thế kỷ 19 của nhà văn Nga Fyodor Dostoyevsky - Krotkaya (A Gentle Creature), phim lấy bối cảnh ở nông thôn miền Tây Nam bộ, kể về cuộc sống tù túng của một cô gái nghèo tên Linh bên hai bà dì tệ bạc. Cuộc hôn nhân với người chồng làm nghề cầm đồ tưởng giải thoát cho Linh khỏi cuộc sống cũ nhưng lại đẩy cô vào vực thẳm mới.
Lê Văn Kiệt vốn chuyên làm phim thương mại, được biết đến với các phim kinh dị như Ngôi nhà trong hẻm hay Bẫy cấp 3. Với Dịu dàng, anh làm mới bản thân với khả năng nắm bắt tâm lý nhân vật sắc sảo cũng như thuật lại bi kịch thế kỷ 19 ở Nga trên nền bối cảnh Việt Nam đương đại. Chủ đề về hôn nhân, gia đình và số phận con người được chất vấn sâu. Bộ phim cũng giới thiệu một gương mặt mới tiềm năng cho điện ảnh Việt Nam là Thanh Tú - con gái nữ diễn viên Kiều Trinh. Tác phẩm được mời tham dự Liên hoan phim Busan. Dù vậy, phim không thu hút khán giả đến rạp Việt vì ngôn ngữ điện ảnh khác lạ.
Lật mặt
Cùng Ma Dai, Lật mặt là dự án nổi bật trong xu hướng các ca sĩ và nghệ sĩ ngoài điện ảnh nhảy vào sân chơi của màn ảnh rộng. Phim do ca sĩ Lý Hải sản xuất, đạo diễn và đóng vai chính. Trong phim, anh vào vai một kẻ bụi đời đi đào đá quý rồi gặp nạn vì ba viên kim cương bới được từ lòng đất. Ngoài Lý Hải, phim có sự góp mặt của nghệ sĩ hài Trường Giang.
Tác phẩm không gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác và cũng không có nhiều sáng tạo đột phá về cách kể chuyện. Tuy nhiên, phim 10 tỷ ngân sách thu về 70 tỷ đồng sau khi ra rạp hồi tháng 5. Thành công gây sửng sốt này được cho là bởi Lật mặt ra mắt vào thời điểm gần như không đụng bom tấn Hollywood đình đám nào. Tác phẩm đánh trúng tâm lý khán giả khi pha trộn tiếng cười vào câu chuyện hình sự. Tên tuổi Lý Hải, Trường Giang cũng được cho là thu hút công chúng.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Sau khi ra rạp hồi tháng 10, phim trở thành hiện tượng của màn ảnh rộng và tạo cơn sốt với người hâm mộ suốt hơn một tháng với doanh thu 80 tỷ đồng. Chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, phim kể về nhịp sống thường ngày của ba đứa trẻ ở vùng nông thôn nghèo ở Việt Nam những năm 1980. Tạo hình và diễn xuất đáng yêu của bộ ba diễn viên nhí chiếm thiện cảm của người xem.
Tác phẩm cho thấy tài kể chuyện hợp thị hiếu công chúng của đạo diễn Victor Vũ. Văn chương nhiều chất hoài niệm đồng quê của Nguyễn Nhật Ánh đi vào tâm thức nhiều thế hệ nhưng chưa được ai khai thác lên hình. Victor Vũ là người đầu tiên phát hiện chất văn giàu chi tiết và hồn nhiên đó, dựng nên câu chuyện hình ảnh. Phim phô diễn nhiều khung hình chuyên nghiệp và sạch sẽ của đạo diễn Việt kiều được đào tạo bài bản từ Hollywood. Sau Quả tim máu và Cô dâu đại chiến, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là dấu mốc thành công mới của Victor Vũ trong sự nghiệp làm phim.
Đây cũng là dự án đánh dấu sự hợp tác giữa Cục Điện Ảnh và các hãng phim tư nhân. Phim được đầu tư gần 20 tỷ đồng, thuộc Top dự án ngân sách lớn nhất thị trường phim Việt, đặc biệt là khi so với thể loại tâm lý.
Người trở về
Sản phẩm của Điện ảnh Quân đội là bất ngờ của phim nhà nước năm qua. Bộ phim chuyển thể từ câu chuyện day dứt của nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh. Cốt truyện kể về số phận một nữ quân nhân trở về miền Bắc sau chiến tranh 1975. Cô về nhà để chịu đựng thương tật trên cơ thể và sống lặng lẽ, dày vò tình cảm.
So với những bộ phim nhà nước đặt hàng, Người trở về không dựng tượng anh hùng, nhà lãnh đạo để tuyên truyền khô khan. Phim lặng lẽ mô tả số phận của người phụ nữ kiêm người lính trước và sau chiến tranh. Nhờ vậy, câu chuyện gây được xúc động với khán giả chuộng dòng phim Việt cổ điển. Phim gợi lại không gian quen thuộc trong điện ảnh miền Bắc Việt Nam ngày trước như Đời cát, Bến không chồng hay Thời xa vắng.
12 cung hoàng đạo: Vẽ đường cho yêu chạy
Đây là dự án giới thiệu thế hệ nhà làm phim trẻ ở Việt Nam. Đạo diễn phim là Vũ Ngọc Phượng sinh năm 1985, từng theo học làm phim ở Anh. Với câu chuyện về chiêm tinh và tình yêu giới trẻ, kịch bản cho thấy sự chắc tay.
Phim được sản xuất trong hơn 20 ngày, được làm vội nên có nhiều chi tiết hình ảnh mang phong cách phim truyền hình. Dù vậy, tác phẩm nhìn chung vẫn là một câu chuyện chỉn chu và gây sốt trong cộng đồng khán giả tuổi teen. Phim quy tụ dàn sao đều là hot boy và hot girl.
Yêu
Yêu đại diện cho dòng phim lãng mạn đồng tính và tuổi mới lớn năm nay. Bộ phim chuyển thể từ tác phẩm đồng tính nam của Thái Lan - TheLove of Siam. Cốt truyện xoay quanh tình cảm lãng mạn của đôi tình nhân nữ. Cặp người yêu tin đồn Chi Pu và Gil Le đóng hai vai chính.
Dù kịch bản phim không chặt chẽ và có nhiều sạn, tác phẩm hạn chế dùng các cảnh sến hoặc hài nhảm, vốn là định kiến với người đồng tính và chuyển giới trên màn ảnh Việt nên không gây cười lố.
Em là bà nội của anh
Đây là phim Việt nổi bật nhất từ sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, là tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Trước khi làm phim, anh vốn là cây viết điện ảnh có tiếng trong cộng đồng người mê phim. Nhà làm phim này cũng từng theo học về đạo diễn ở Mỹ bằng học bổng toàn phần.
Làm lại tác phẩm ăn khách của Hàn Quốc - Miss Granny (Ngoại già tuổi đôi mươi), đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chứng minh tài năng sáng tạo về mặt chi tiết, chỉ đạo hình ảnh bài bản và dựng phim có tính điện ảnh cao.
Tác phẩm ăn khách nhờ ý tưởng hay, kể về chuyện ước mơ và mất mát thời trẻ lồng vào chuyện câu chuyện gia đình cảm động. Phiên bản mớithuần Việt nhờ chứa đựng những lát cắt về văn hóa và lịch sử Việt Nam. Chiến dịch quảng bá rầm rộ cũng là một yếu tố góp phần làm nên thành công cho phim. Em là bà nội của anh thu về hơn 40 tỷ đồng sau hơn 10 ngày chiếu rạp.
Mời các bạn tham khảo thêm thông tin tại tin online
Không có nhận xét nào: