Theo nguồn tin bien dong, sự xuất hiện của "Giao Long" AG-600 lập tức thu hút sự chú ý của đông đảo giới truyền thông cũng như các chuyên gia quân sự quốc tế.
Như tin đã đưa, Trung Quốc đã bắt đầu lắp ráp Jiaolong (Giao Long) AG-600 - máy bay đổ bộ lớn nhất thế giới.
Thủy phi cơ AG-600 do Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc sản xuất được cho là đã bước vào giai đoạn lắp ráp tại Chu Hải, một thành phố lớn ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Dự kiến, AG-600 sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm tới.
Đây là thủy phi cơ lớn nhất trên thế giới, vượt qua cả máy bay ShinMaywa US-2 của Nhật Bản và Beriev Be-200 của Nga. AG-600 có thể chở được 53 người, trọng tải khi cấp cánh là 53,5 tấn và có tầm hoạt động là tối đa hơn 5.000 km.
Việc Trung Quốc bắt đầu lắp ráp "Giao Long" AG-600 lập tức thu hút sự chú ý của đông đảo giới truyền thông cũng như các chuyên gia quân sự quốc tế.
Hãng thông tấn Press Trust of India (PTI) dự báo, Trung Quốc sẽ sớm triển khai thủy phi cơ này tại Biển Đông.
Hình ảnh Giao Long AG-600 trên các trang mạng Trung Quốc |
Đài RFI của Pháp cho biết, "Giao Long" AG-600 sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng bao quát toàn bộ khu vực "đường chín đoạn" từ căn cứ Tam Á đến bãi đá ngầm James (Trung Quốc gọi là Tằng mẫu ám sa). Bãi đá ngầm này nằm trên thềm lục địa của đảo Borneo, cách Bintulu của Malaysia 80 km về phía tây bắc, cách đất liền Trung Quốc 1.800 km về phía nam. Trung Quốc vẫn luôn tuyên bố rằng đây là điểm cực nam của lãnh thổ nước mình.
Tờ The Diplomat của Nhật nhận định với khả năng vận tải trên 50 người và tầm hoạt động rất rộng, "Giao Long" có thể dễ dàng đưa một lượng lớn binh sĩ Trung Quốc ra các vùng biển tranh chấp. Phối hợp với "Bò rừng" đổ bộ đệm khí Zubr và tàu vận tải bán ngầm Donghaidao (Đông Hải Đảo), "Giao Long" sẽ trở thành công cụ đáng gờm cho Trung Quốc trong nỗ lực bành trướng chủ quyền.
Trang Khaleej Times dẫn một nguồn tin cho biết, chiếc thủy phi cơ này có thể được dùng để đưa du khách tới cái gọi là thành phố Tam Sa (mà Trung Quốc đơn phương lập ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam).
Trước đó, tờ Defense News từng dẫn lời ông Richard Bitzinger, điều phối viên cho Chương trình cải tiến quân sự tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore bình luận: “Các thủy phi cơ như AG600 là công cụ hoàn hảo để tái cung ứng cho các đảo nhân đạo mới mà Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông. Cùng lúc đó, các đảo này có thể là các căn cứ thích hợp cho các hoạt động của AG-600 nhằm tham gia vào các cuộc tuần tra lãnh hải tại các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền”, ông Bitzinger nói thêm.
Ông Ching Chang, một chuyên gia thuộc Hội nghiên cứu chiến lược ROC của Đài Loan cũng từng cho biết: "AG-600 giúp Trung Quốc tăng cường kiểm soát các hòn đảo đang chiếm đóng (trái phép) trên Biển Đông, như tuần tra đánh bắt, ngăn ngừa ô nhiễm, cứu hộ và tìm kiếm, vận chuyển cứu hộ y tế, khảo sát địa chất và địa chấn. Nói tóm lại, chiếc thủy phi cơ này sẽ là công cụ chính trị đắc lực cho Trung Quốc, phục vụ lập luận của Trung Quốc rằng các hòn đảo có thể cư trú theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)".
Có thể thấy, đa số các ý kiến đều đồng thuận rằng, cục diện Biển Đông sẽ càng thêm phức tạp do sự hiện diện của "Giao Long" AG-600. Theo kế hoạch, thủy phi cơ này sẽ tiến hành chuyến bay thử đầu tiên vào nửa đầu năm 2016 và trong vòng 15 năm tới, Trung Quốc dự kiến sẽ sở hữu ít nhất là 100 chiếc thủy phi cơ này.
Xem thêm: tin biển đông
Không có nhận xét nào: